Loading map...

Đắk Lắk: Chủ đầu tư thất hứa, dân đòi lại đất, lỗi 'chạy vòng quanh'

15/06/2021 16:23
Hứa hẹn trả tiền đền bù, hỗ trợ, bồi thường vào cuối tháng 5/2021 để nhận mặt bằng xây dựng đập chứa nước Yên Ngựa (huyện Cư Kuin, Đắk Lắk), đến hẹn, tiền không có, chủ đầu tư né tránh khiến người dân không biết xoay xở thế nào.

Đắk Lắk: Chủ đầu tư thất hứa, dân đòi lại đất, lỗi 'chạy vòng quanh'

Công trình thi công dở dang vì chủ đầu tư chưa trả tiền đền bù mặt bằng cho người dân.

Tiền đền bù 'bặt vô âm tín', dân mất đất canh tác, tiến thoái lưỡng nan

Nhiều ngày qua, những người có đất sản xuất trong khu vực lòng hồ Đập chứa nước Yên Ngựa (thôn 1, xã Cư Evy, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) rất bức xúc với chủ đầu tư – Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn Đắk Lắk.

Theo phản ánh, khi chủ đầu tư đưa đơn vị thi công đến xây dựng đập chứa nước Yên Ngựa, người dân địa phương đã tự giác bàn giao mặt bằng bởi lời hứa "đến ngày 30/5/2021 là có tiền đền bù".

Nhận mặt bằng, các nhà thầu cấp tập kéo máy móc ồ ạt vào thi công dự án, san lấp đất, xây nhà điều hành... Tuy nhiên, quá hạn ngày 30/5, tiền đền bù vẫn bặt vô âm tín. Chủ đầu tư bị người dân tố "không đoái hoài gì cả".

Người dân bảo nhau ngăn chặn các phương tiện, không cho nhà thầu tiếp tục thi công trên diện tích của họ đã bàn giao trước đó cho chủ đầu tư.

Đắk Lắk: Chủ đầu tư thất hứa, dân đòi lại đất, lỗi 'chạy vòng quanh'

Các nhà thầu đã tiến hành san lấp đất, chuẩn bị thi công các hạng mục kiên cố.

Anh Dương Ngọc Mai (trú thôn 1, xã Cư Evy) cho hay, anh có 1ha rẫy có sổ đỏ, khi chủ đầu tư hứa chắc chắn trong tháng 5/2021 sẽ nhận được tiền đền bù, gia đình anh đã vui vẻ bàn giao đất cho chủ đầu tư để dự án thi công kịp tiến độ. Tuy nhiên, thực tế không như lời hứa của chủ đầu tư.

"Chúng tôi buộc phải ngăn chặn không cho thi công vì chủ đầu tư không chịu trả tiền đền bù. Từ khi hết hạn (ngày 30/5/2021) đến nay không thấy chủ đầu tư đâu, gọi điện thoại thì không nghe máy. Chúng tôi khổ trăm bề vì tiền thì không nhận được, đất cũng không còn để canh tác", anh Mai bức xúc phản ánh.

Đắk Lắk: Chủ đầu tư thất hứa, dân đòi lại đất, lỗi 'chạy vòng quanh'

Một rẫy tiêu của người dân không còn được chăm sóc vì đã bàn giao cho chủ đầu tư.

Cũng như tình trạng của anh Mai, gia đình anh Lê Văn Mạnh (trú thôn 1, xã Cư Evy) lại rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Theo anh Mạnh, nhà anh có hơn 6 sào rẫy trong khu vực Đập chứa nước Yên Ngựa. Khi nghe ông Nguyễn Đình Thìn (Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn Đắk Lắk) hứa trả tiền cho người dân trong tháng 5, anh rất tin tưởng ký bàn giao mặt bằng để tạo điều kiện cho chủ đầu tư thi công theo quy định.

Sau khi bàn giao mặt bằng, gia đình anh Mạnh chủ động mua đất ở nơi khác trị giá gần 1 tỉ đồng để sản xuất, phải vay lãi "nóng" để đặt cọc 200 triệu đồng, giờ không có tiền đền bù đi trả nợ, anh chưa biết xoay thế nào.

“Bàn giao mặt bằng rồi nên chúng tôi không còn đất canh tác, phải đi làm thuê, phụ hồ để kiếm sống, vay mượn trả lãi rất cao. Rất mong chính quyền nhanh chóng kiểm tra, giải quyết để người dân chúng tôi đỡ khổ”, anh Mạnh bày tỏ

Đắk Lắk: Chủ đầu tư thất hứa, dân đòi lại đất, lỗi 'chạy vòng quanh'

Ruộng lúa của người dân đã bàn giao cho chủ đầu tư.

Do huyện chậm trễ hồ sơ đền bù, bồi thường?

PVInfonet đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn Đắk Lắk (Ban QLDA) - đơn vị Chủ đầu tư công trình Đập chứa nước Yên Ngựa, để tìm hiểu vụ việc.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đình Thìn, Phó Giám đốc Ban QLDA thừa nhận việc chủ đầu tư có hứa đến ngày 30/5 sẽ trả tiền đền bù cho người dân có đất trong vùng dự án.

Tuy nhiên, ông Thìn cho rằng, việc không thực hiện đúng lời hứa với dân là do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cư Kuin nói sẽ làm xong sớm nên mới hứa.

Ông Thìn lý giải, nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm trễ đền bù cho dân là do địa phương chậm trong việc phê duyệt giá đất; trách nhiệm này hoàn toàn thuộc về địa phương.

“Tôi đã gọi cho cả Chủ tịch và Phó chủ tịch huyện Cư Kuin. Sau đó nóng ruột quá, tôi tiếp tục có một công văn gửi Bí thư Huyện ủy Cư Kuin thì ở huyện mới có quyết định phê duyệt giá đất”, ông Thìn cho hay.

Đắk Lắk: Chủ đầu tư thất hứa, dân đòi lại đất, lỗi 'chạy vòng quanh'

Quyết định phê duyệt giá đất của UBND huyện Cư Kuin ban hành ngày 31/5/2021.

Về kế hoạch trả tiền đền bù cho dân trong thời gian tới, ông Thìn cho biết, hiện nay chủ đầu tư đã có tiền, khi nào Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cư Kuin hoàn thiện xong hồ sơ thì sẽ nhanh chóng trả tiền cho người dân.

Địa phương phản ứng gay gắt

Ông Nguyễn Quốc Viện, Chủ tịch UBND xã Cư Evy cho biết, UBND xã cũng như cá nhân tôi không ủng hộ việc làm của chủ đầu tư là nhận bàn giao mặt bằng trước để thi công sau mới đền bù cho người dân.

“Việc này là do chỗ ông Thìn (đại diện chủ đầu tư – PV) tự vận động bà con bàn giao mặt bằng để thi công. Chúng tôi không ủng hộ việc làm này nên người của chủ đầu tư đi nói chúng tôi gây khó khăn”, ông Viện nói.

Trao đổi với PV Infonet về vụ việc, một lãnh đạo huyện Cư Kuin cho rằng: "Chủ đầu tư không có tư cách gì mà hứa ở đây! Việc chậm phê duyệt giá đất có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thay đổi vị trí Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất; bên cạnh đó, thực tế còn có sự chồng lấn bìa đỏ trong vùng dự án này nên phải rà soát thật kỹ, tránh sai phạm xảy ra".

Theo vị lãnh đạo huyện Cư Kuin, "việc chủ đầu tư ký hợp đồng đo đếm, kiểm kê.. trong khu vực lòng hồ không liên quan tới huyện", nhưng lãnh đạo huyện vẫn thường xuyên chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ sớm, để người dân nhận tiền đền bù, đảm bảo cuộc sống.

“Hiện chúng tôi đang chỉ đạo ráo riết, phải làm thật nhanh nhưng làm đúng để sớm có tiền đền bù cho dân. Anh em làm liên tục chứ không phải không làm. Chủ đầu tư nói vậy là không đúng”, vị này cho hay.

Theo hồ sơ được duyệt, công trình Đập chứa nước Yên Ngựa có tổng vốn đầu tư 305 tỉ đồng, thuộc địa huyện Cư Kuin và huyện Lắk (Đắk Lắk). Công trình hoàn thành sẽ cung cấp nước tưới cho hơn 4000 ha lúa, cây trồng và cung cấp nước sạch cho hàng ngàn hộ dân đồng bào dân tộc tiểu số ở 2 địa phương này.