Loading map...

Đại gia âm thầm đua săn quỹ đất

07/07/2020 08:35

Khi thị trường giao dịch chững lại cũng là lúc nhiều doanh nghiệp lớn âm thầm săn quỹ đất để chuẩn bị phát triển dự án mới.

Từ đầu năm đến nay, nhiều tập đoàn bất động sản (BĐS) đã lên kế hoạch săn tìm quỹ đất. Tác động của dịch COVID-19 khiến một số doanh nghiệp (DN), chủ đất gặp khó khăn buộc phải bán ra, tạo cơ hội cho các đại gia có dòng tiền chớp thời cơ gom đất với giá hợp lý.

Cuộc đua quỹ đất gắt gao

Nhiều DN dù có trong tay nhiều quỹ đất nhưng vẫn tiếp tục săn nguồn mới. Họ không dừng lại ở TP.HCM và các tỉnh lân cận mà còn đi xa hơn nữa.

Đơn cử như Tập đoàn An Gia đang sở hữu quỹ đất khá lớn với khoảng 70 ha tại các khu vực nhiều tiềm năng như huyện Bình Chánh, quận 7 (TP.HCM), Bình Dương và Phan Thiết (Bình Thuận). Dự kiến với quy mô quỹ đất hiện tại, công ty này có thể cung cấp ra thị trường khoảng 9.000-12.000 căn hộ trong vòng ba năm tới, đảm bảo nguồn doanh thu, lợi nhuận ổn định.

Tập đoàn này cũng đang ráo riết gia tăng thêm quỹ đất tại các vị trí phù hợp với chiến lược phát triển thông qua hoạt động M&A (mua bán sáp nhập). Về dài hạn, công ty luôn đặt mục tiêu mỗi năm sẽ chi 5.000-10.000 tỉ đồng để tạo quỹ đất và đảm bảo đầu vào phát triển bền vững trong 10 năm tới.

Tập đoàn Novaland có tổng quỹ đất tích lũy khá lớn (khoảng 4.900 ha) dành cho dòng sản phẩm chủ lực. Trong đó bao gồm BĐS trung tâm TP.HCM, BĐS khu đô thị vệ tinh tại các tỉnh lân cận như Đồng Nai và các BĐS du lịch nghỉ dưỡng tại các thành phố có tiềm năng du lịch lớn. Điều này đảm bảo đà tăng trưởng ổn định cho công ty trong 10 năm tới.

Đại gia này cũng đang phát triển mở rộng các dự án nghỉ dưỡng và dịch vụ du lịch tại nhiều thành phố như Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phan Thiết - Bình Thuận, Ninh Thuận, Cam Ranh - Khánh Hòa… Để làm được điều đó, Novaland đã phải gom một quỹ đất không hề nhỏ.

Theo ông Ngô Đức Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư DRH Holdings, thực tế các DN đều phải chuẩn bị sẵn quỹ đất từ sớm để chủ động lên kế hoạch kinh doanh các năm tiếp theo. Hiện DN này cũng đã chuẩn bị mấy chục hecta ở Bình Dương.

Ông Sơn nhận định trong sáu tháng đầu năm dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến thị trường. Các dự án phải đứng lại khiến DN phải thay đổi nhiều trong kế hoạch phát triển dự án mới. Vì thế, sáu tháng cuối năm 2020 được kỳ vọng là thời gian để các DN đã có quỹ đất làm thủ tục hồ sơ, hoàn thiện pháp lý khởi động dự án.

Để phát triển được nhiều dự án mới, doanh nghiệp buộc phải chuẩn bị cho mình nguồn quỹ đất dồi dào. Ảnh minh họa: QUANG HUY

Công cuộc không hề dễ dàng

Dù tài chính mạnh, có năng lực và kế hoạch rõ ràng nhưng các tập đoàn BĐS cũng gặp nhiều trở ngại khi săn quỹ đất. Chính vì vậy họ buộc phải âm thầm, kín tiếng trong hoạt động này.

Ông Ngô Đức Sơn chia sẻ khó khăn lớn nhất hiện nay khiến việc đầu tư dự án của các DN gặp nhiều trở ngại trong việc chuẩn bị quỹ đất là sự khuấy đảo của các nhóm đầu tư có tiềm lực tài chính.

“Các nhà đầu tư này chỉ cần đánh hơi ở đâu có sự đầu tư về hạ tầng là lập tức họ đi gom đất trước. Những nhà đầu tư này có tài chính trên dưới 100 tỉ đồng có kiểu đầu tư nhảy ngang hông các nhà đầu tư lớn. Ví dụ mới đây có tập đoàn muốn đầu tư dự án hơn 1.000 ha ở Bình Thuận. Ngay khi có thông tin DN có buổi làm việc với chính quyền địa phương để bàn về đầu tư dự án thì nhóm đầu tư này đã xuống tay trước, mua đất gần đó. Sau đó họ bơm, thổi đẩy giá thị trường tăng vọt” - ông Sơn nói.

Với cơ chế linh hoạt, nhóm đầu tư này sẽ giải ngân tốt hơn, nhanh hơn các chủ đầu tư BĐS. Theo ông Sơn, những việc nhóm đầu tư này mua đầu cơ trước rồi khuấy thị trường, đẩy giá BĐS khu vực này tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các chủ đầu tư phát triển dự án. DN sẽ phải bồi thường, giải phóng mặt bằng giá cao, chi phí đội lên.

Ngoài ra, ông Sơn chỉ ra rằng thủ tục pháp lý dự án rất mất thời gian, 2-3 năm mới được chấp thuận chủ trương đầu tư. Rồi từ đó để lập quy hoạch, bồi thường đất đai để được giao đất thì lại phải mất vài năm nữa. Trong thời gian này, mặt bằng giá đất ở khu vực này biến động mạnh, tăng gấp nhiều lần. Để phát triển các dự án khu đô thị được quy hoạch bài bản, đồng bộ thì chủ đầu tư buộc phải tốn nhiều chi phí đầu tư, giá bán buộc phải tăng, khi đó người dân, nhà đầu tư chịu thiệt.

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho biết không chỉ các nhà phát triển BĐS trong nước mà ngay cả các chủ đầu tư ngoại cũng đang âm thầm săn quỹ đất từ nhiều năm nay để chuẩn bị cho những bước đi dài hạn.

Nhiều chủ đầu tư muốn đi nhanh hơn thì sẽ lựa chọn gom quỹ đất bằng việc mua bán, sáp nhập, mua lại những quỹ đất mà các chủ đầu tư vì nhiều lý do không thể triển khai được.

“Việc đi tìm quỹ đất không bao giờ là muộn vì đó là việc quan trọng nhất của các DN. Đặc biệt, khi quỹ đất ở TP.HCM khan hiếm, các DN, tập đoàn phải gom sớm các quỹ đất ngoại thành hay các địa phương lân cận càng nhanh càng tốt. Các chủ đầu tư phải tính trước, mở rộng quỹ đất cho tầm nhìn không chỉ 5-10 năm mà có thể cho 20-30 năm tới” - TS Khương chia sẻ.

Nguồn cung BĐS nửa cuối năm sẽ tăng

JLL Việt Nam dự báo sẽ có khoảng 15.000-20.000 căn hộ được chào bán trong sáu tháng cuối năm, nâng tổng nguồn cung cả năm 2020 lên 20.000-25.000 căn. Ngay cả khi thị trường đạt được lượng cung tối đa như dự báo, con số này vẫn thấp hơn so với tổng nguồn cung trung bình trong giai đoạn 2017-2019 khi có ít nhất 30.000 căn mở bán mỗi năm.
 

– Theo PLO