Loading map...

HoREA đề xuất giải pháp gì phát triển thị trường bất động sản 2020?

13/01/2020 08:32

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã có văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Bộ Tư pháp… đề xuất các giải pháp phát triển thị trường bất động sản năm 2020 theo hướng minh bạch, bền vững.

HoREA đề xuất các giải pháp cho thị trường bất động sản trong năm 2020

HoREA đề xuất quy trình hành chính đối với dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp với 5 bước.

Bước 1, cần phải lập thủ tục “Quyết định chủ trương đầu tư” theo quy định của Luật Đầu tư. Để chặt chẽ tính pháp lý về đất đai, chức năng quy hoạch sử dụng đất… đủ cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo của quy trình, đề nghị giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thành lập tổ chuyên gia (gồm các sở ngành, quận huyện có liên quan), để cùng xem xét, thẩm định hồ sơ, trình UBND thành phố ban hành quyết định chủ trương đầu tư.

Bước 2: Lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị. Sau khi có quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu tư lập quy hoạch trình Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm định hồ sơ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, trình UBND quận huyện xem xét phê duyệt quy hoạch theo quy định, để có cơ sở phục vụ các bước tiếp theo của quy trình.

Bước 3: Lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai, giao Sở TN-MT tổ chức thực hiện theo quy định.

Bước 4: Lập thủ tục công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng, giao Sở Xây dựng tổ chức thực hiện theo quy định.

Bước 5: Lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất theo quy định, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao Sở TN-MT, Sở Tài chính tổ chức thực hiện theo quy định.

HoREA đề xuất nội dung bước 5 cũng dựa trên thực tiễn hoạt động đầu tư xây dựng các dự án nhà ở thương mại. Trên thực tế, thực hiện thủ tục xác định giá đất, thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất mất rất nhiều thời gian.

Nếu Sở TN-MT, Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan nỗ lực, phối hợp chặt chẽ thì mất khoảng 1 năm, còn không thì phải mất 2-3 năm hoặc lâu hơn.

Thời gian thi công xây dựng dự án nhà ở thương mại trung bình mất khoảng trên dưới 3 năm mới đủ điều kiện được huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Nếu sau khi bồi thường giải phóng mặt bằng, được duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và đã có quyết định thu hồi đất, giao đất, mà chủ đầu tư không được khởi công xây dựng dự án theo quy định của Luật Xây dựng, thì sẽ làm tăng thêm chi phí lãi vay, chi phí quản lý, chi phí đầu tư dự án, dẫn đến giá bán nhà ở tăng theo, làm cho người mua nhà bị thiệt.

Sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chủ đầu tư dự án nhà ở được phép huy động vốn, bán nhà ở hình thành trong tương lai; được Cơ quan TN-MT cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho toàn bộ dự án hoặc cho từng thửa đất nếu chủ đầu tư có yêu cầu theo quy định của pháp luật đất đai.

Bên cạnh đó, HoREA còn đề xuất giải quyết các vướng mắc về tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở. Cụ thể, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo hoàn thiện quy trình, thủ tục xác định giá đất, thẩm định giá đất để rút ngắn thời gian làm thủ tục và đảm bảo kết quả tính tiền sử dụng đất hợp lý, không làm thất thoát ngân sách nhà nước.

Đồng thời, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở TN-MT và Sở Tài chính xem xét, chấp nhận các chi phí thực tế hợp lý của chủ đầu tư và cách tính doanh thu dự án, như: Chi phí giải phóng mặt bằng; chi phí đầu tư hạ tầng; hệ số diện tích sàn kinh doanh căn hộ; doanh thu bãi giữ xe gắn máy, bãi giữ xe ô-tô; doanh thu giá bán căn hộ; doanh thu cho thuê phần diện tích thương mại, dịch vụ; chi phí đầu tư hạ tầng; suất đầu tư xây dựng chung cư cao tầng.

– Theo Dân trí