Loading map...

Giữa thời điểm khó khăn, doanh nghiệp lấy tiền từ đâu làm các dự án lớn?

23/03/2023 14:02

Lâm Đồng đang tổ chức đấu thầu tìm nhà đầu tư dự án Khu đô thị mới Nam sông Đa Nhim quy mô gần 12.000 tỉ đồng (ảnh minh họa)

Thẩm định năng lực tài chính chủ đầu tư

Thời gian gần đây, nhiều địa phương trong cả nước đã xúc tiến hồ sơ, chấp thuận chủ trương đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho nhiều dự án bất động sản có quy mô lớn.

Đơn cử, Lâm Đồng tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho dự án khu đô thị mới Nam sông Đa Nhim, huyện Đức Trọng có quy mô gần 12.000 tỉ đồng.

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu nhà đầu tư phải có năng lực tài chính với nguồn vốn chủ sở hữu tối thiểu khoảng 3.284 tỉ đồng, tương đương với 27,7% tổng mức đầu tư dự án đang xét.

Vốn chủ sở hữu nhà đầu tư được xác định trên cơ sở số liệu tài chính của nhà đầu tư trong báo cáo tài chính của nhà đầu tư năm gần nhất đã được cơ quan kiểm toán độc lập kiểm toán và báo cáo tài chính giữa niên độ theo quy định của pháp luật đã được kiểm toán (nếu có).

Trong trường hợp nhà đầu tư là tổ chức mới thành lập trong năm, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định căn cứ vào báo cáo tài chính đã được cơ quan kiểm toán độc lập kiểm toán trong thời gian kể từ thời điểm thành lập đến trước thời điểm đóng thầu, hoặc báo cáo tài chính giữa niên độ tại thời điểm gần nhất trước thời điểm đóng thầu theo quy định của pháp luật đã được kiểm toán.

Trường hợp đại diện chủ sở hữu, chủ sở hữu hoặc công ty mẹ góp vốn chủ sở hữu thì đại diện chủ sở hữu, chủ sở hữu hoặc công ty mẹ có văn bản cam kết và báo cáo tài chính chứng minh đảm bảo vốn chủ sở hữu để góp vốn theo phương án tài chính của dự án.

Chưa hết, trường hợp tại cùng một thời điểm nhà đầu tư tham gia đầu tư nhiều dự án và các khoản đầu tư tài chính dài hạn khác (nếu có), nhà đầu tư phải lập danh mục dự án và các khoản đầu tư tài chính dài hạn khác, bảo đảm tổng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư đáp ứng đủ cho toàn bộ số vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư cam kết thực hiện cho tất cả các dự án và khoản đầu tư tài chính dài hạn khác theo quy định của pháp luật.

Tại thời điểm ký kết hợp đồng thực hiện dự án, nhà đầu tư có trách nhiệm gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phương án đảm bảo huy động đủ vốn chủ sở hữu và các tài liệu chứng minh đảm bảo đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu theo quy định tại hợp đồng dự án.

Nhà đầu tư cũng phải kê khai thông tin, cung cấp tài liệu về năng lực tài chính theo quy định.

Tương tự, UBND tỉnh Bình Định cũng đã quy định cụ thể một số yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị và du lịch An Quang, huyện Phù Cát, với quy mô hơn 5.228 tỉ đồng.

Đối với dự án này, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu năng lực tài chính vốn chủ sở hữu tối thiểu nhà đầu tư phải thu xếp là 20% tổng mức đầu tư (vốn đầu tư) của dự án đang xét, tương đương với khoảng 1.046 tỉ đồng.

UBND tỉnh Bình Định cũng yêu cầu vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định trên cơ sở các số liệu tài chính của nhà đầu tư trong báo cáo tài chính của nhà đầu tư năm gần nhất đã được cơ quan kiểm toán độc lập kiểm toán và Báo cáo tài chính đã được kiểm toán đến hết quý 3/2022.

Trường hợp nhà đầu tư là tổ chức mới thành lập trong năm, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định căn cứ vào Báo cáo tài chính đã được cơ quan kiểm toán độc lập kiểm toán trong khoảng thời gian kể từ thời điểm thành lập đến trước thời điểm đóng thầu 28 ngày, hoặc Báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất trước thời điểm đóng thầu 28 ngày theo quy định của pháp luật đã được kiểm toán,…

Nhiều doanh nghiệp đang bắt tay nhau làm các dự án lớn (ảnh minh họa)

Doanh nghiệp bắt tay nhau làm các dự án lớn

Giữa thời điểm thị trường bất động sản có nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chọn cách bắt tay nhau cùng thực hiện các dự án bất động sản quy mô lớn.

Tại Bình Định, Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung, Công ty CP Đầu tư Bất động sản Đông Đô - BQP, Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Công nghệ Hoàng Thành vừa được chấp thuận là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị và du lịch An Quang, huyện Phù Cát, quy mô 5.228 tỉ đồng.

Để thực hiện dự án nêu trên, vốn góp của liên danh nhà đầu tư phải thu xếp khoảng 1.046 tỉ đồng và nguồn vốn huy động khoảng 4.183 tỉ đồng.

Trong tổng vốn góp của nhà đầu tư nói trên, Công ty Tuấn Dung góp khoảng 680 tỉ đồng tiền mặt, tương đương với 65% vốn nhà đầu tư; Công ty Đông Đô – BQP góp khoảng 157 tỉ đồng tiền mặt, tương đương 15% vốn nhà đầu tư; Công ty Hoàng Thành góp khoảng 209 tỉ đồng tiền mặt, tương đương với 20% vốn nhà đầu tư.

Ngoài dự án nêu trên, thống kê từ Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cũng cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều doanh nghiệp bắt tay nhau thực hiện các dự án quy mô lớn khác như, Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty cổ phần Đầu tư Việt Tâm, Công ty cổ phần Dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn với dự án Khu đô thị Nam đường Hùng Vương quy mô 2.407 tỉ đồng; Liên danh Công ty CP Phú Tài - Công ty CP Xây lắp Thương mại Trường Hải - Công ty CP Đầu tư Phát triển Dịch vụ Miền Bắc với dự án Khu đô thị Vân Hà quy mô 2.303 tỉ đồng.

Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại Thủ Đô – Công ty Cổ phần đầu tư nhà An Bình với dự án Khu đô thị xanh Đông Bắc Diêu Trì, huyện Tuy Phước quy mô 2.255 tỉ đồng; Liên danh Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ, Công ty TNHH Bất động sản Quảng Bình, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang với dự án Khu đô thị Bình Chương Nam, phường Hoài Đức quy mô 1.647 tỉ đồng.

Liên danh Công ty CP Đầu tư Du lịch Bình Định, Công ty TNHH Khách sạn Silk Path, Công ty TNHH Xuân Cầu làm với dự án Khu đô thị và du lịch sinh thái Diêm Vân quy mô 4.990 tỉ đồng.

Không riêng gì Bình Định, mới đây UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã phê duyệt kết quả đánh giá sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư đăng ký thực hiện nhiều dự án khu đô thị trên địa bàn tỉnh.

Đơn cử như, Liên danh Công ty Cổ phần Khu đô thị Nam Trường Chinh và Công ty Cổ phần Tổng Công ty MBLAND với dự án khu đô thị mới Nam Trường Chinh có tổng vốn đầu tư 1.815 tỉ đồng; Liên danh Công ty Cổ phần Bất động sản Thiên Phú Hưng – Công ty Cổ phần Đầu tư VCN với dự án khu đô thị Nam Phổ Minh, thị xã Đức Phổ, quy mô đầu tư hơn 820 tỉ đồng.

Thị trường sắp xuất hiện nhiều dự án quy mô lớn

UBND huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) vừa có Tờ trình đề nghị thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch quốc gia Đankia – Suối Vàng quy mô hơn 30.000 tỉ đồng.

Trong năm 2023, tỉnh Bình Định cũng sẽ tổ chức đấu giá, đấu thầu tìm nhà đầu tư thực hiện 8 dự án du lịch, dịch vụ, thương mại và 3 dự án khu dân cư, đô thị tại Khu kinh tế Nhơn Hội (tỉnh Bình Định) với tổng vốn hơn 10.000 tỉ đồng.

Dự kiến ngày 2/4 tới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vào tỉnh.

Tại hội nghị này, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ công bố các dự án được phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư gồm dự án khu đô thị ven vịnh Cam Ranh với tổng vốn đầu tư hơn 85.000 tỉ đồng, quy mô 1.250ha và dự án khu đô thị hành chính Diên Khánh với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng, quy mô 89ha.

Tỉnh sẽ trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư đối với nhiều dự án như, khu nhà ở xã hội phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh của Công ty cổ phần Muối Cam Ranh, với tổng vốn đầu tư hơn 3.756 tỉ đồng. Dự án khu đô thị sinh thái VCN của Công ty cổ phần đầu tư VCN, với tổng vốn đầu tư 8.987 tỉ đồng, quy mô 71,5ha.

Tỉnh cũng sẽ ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư dự án tổ hợp đô thị - du lịch Hòn Lớn quy mô 4.800ha và dự án cảng hàng không tại xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh của Tập đoàn Sungroup.

Biên bản ghi nhớ đầu tư dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng và phục hồi sức khỏe tiêu chuẩn quốc tế D-RETREAT Ninh Hòa của Liên danh Công ty TNHH MTV Đầu tư DHA và Cổ phần du lịch Thành Thành Công.