Loading map...

Năm 2022, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang thu hơn 26.977 tỷ đồng tiền bán nước tương Chinsu, mỳ Kokomi, VinaCafe, xúc xích Heo Cao Bồi…

22/03/2023 10:40

Heo Cao Bồi tăng trưởng bình quân 45%, trở thành nhãn hiệu 100 tỷ đồng, theo Masan Consumer.

Năm 2022, kinh tế thế giới được kỳ vọng phục hồi sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, năm 2022 lại đánh dấu bằng một cuộc xung đột mới, lạm phát cao kỷ lục và các thảm họa liên quan đến khí hậu. Đây là một năm “đa khủng hoảng”.

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 gây ra vào năm 2020, giá tiêu dùng bắt đầu tăng vào năm 2021 khi các quốc gia dỡ bỏ phong tỏa và các biện pháp hạn chế khác. Các ngân hàng trung ương dự đoán tình trạng lạm phát cao sẽ chỉ là tạm thời khi các nền kinh tế hoạt động bình thường trở lại.

Tuy nhiên, cuộc xung đột tại Nga-Ukraine xảy ra vào cuối tháng 2/2022 đã khiến giá năng lượng và lương thực tăng vọt. Nhiều quốc gia hiện đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt do tiền lương không theo kịp lạm phát, buộc các hộ gia đình phải siết chặt chi tiêu.

Năm 2022, kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi, tăng trưởng tương đối thành công so với các nước trong khu vực, đặc biệt là khu vực châu Á, với GDP đạt mức 8% (cao hơn kỳ vọng), lạm phát có cao nhưng được kiểm soát ở mức 3,1%.

Trước tình hình kinh tế toàn cầu và trong nước, đặc biệt đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh, do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu vì lạm phát, Masan Consumer báo cáo doanh thu năm 2022 ghi nhận sự chững lại so với 2021 (-2,9%) đạt 26.977 tỷ đồng so với 27.774 tỷ đồng của năm 2021 chủ yếu ảnh hưởng từ hai ngành hàng thiết yếu gia vị và thực phẩm tiện lợi do sức tiêu thụ chậm lại.

Đây là những sản phẩm thiết yếu mà người tiêu dùng dự trữ nhiều để đối phó với các đợt phong tỏa do Covid-19 trên toàn quốc vào năm 2021 vì thế đã tạo cơ sở cao khi so sánh với doanh thu năm 2022.

Masan Consumer cho biết, ngành hàng thịt chế biến đạt mức tăng trưởng đột phá với 54,7% nhờ ra mắt sản phẩm mới. Doanh thu ngành hàng nước uống tăng 9% trong năm 2022 nhờ hoạt động tiếp thị gắn kết với người tiêu dùng. Ngành hàng chăm sóc cá nhân và gia đình (HPC) - ngành hàng mới của Masan Consumer đã có mức tăng trưởng 4% so với năm 2021.

Về lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2022 là 41,3%, giảm nhẹ so với năm 2021 do chi phí nguyên vật liệu cao hơn. Lợi nhuận thuần sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty năm 2022 đạt 5.533 tỷ đồng, vẫn giữ bằng số lợi nhuận so với 5.526 tỷ đồng năm 2021 mặc dù chi phí hoạt động tăng.

Cụ thể, theo báo cáo của Masan Consumer, đối với ngành hàng thực phẩm tiện lợi, năm 2022, doanh thu thuần của ngành hàng này đạt 7.551 tỷ đồng, trong đó nhãn hiệu mì Kokomi ghi nhận tăng trưởng 18% (so với 2021) và là nhãn hiệu giúp giữ vững thành trì của ngành hàng mì về thị phần và lợi nhuận gộp trong điều kiện nhu cầu sụt giảm sức tiêu thụ sau Covid-19 và biến động giá nguyên vật liệu đầu vào.

Mì Omachi mặc dù có sự tăng trưởng âm (-16%) trong ngắn hạn 2022 sau hai năm bứt phá ở 2020 và 2021 (+25%) vẫn là nhãn hàng đang nắm giữ vị thế đầu trong phân khúc cao cấp đang có các sản phẩm và nhiều hoạt động truyền thông để trẻ hóa nhãn hiệu trong 2022, Masan Consumer cho hay.

Ngành hàng gia vị vẫn là ngành hàng chủ lực với doanh số năm 2022 ghi nhận ở mức 10.028 tỷ đồng và có giảm so với 2021 là -8%. Masan Consumer cho biết, chiến lược trong 2022 và các năm kế tiếp của công ty vẫn là “cao cấp hóa” các sản phẩm gia vị với thương hiệu Chin-Su dẫn đầu. Nước mắm Chin-Su Cá Cơm Biển Đông, Nước tương Chin-Su Nấm Shiitake, Tương ớt Chin-Su đã có hiện diện mạnh mẽ hơn trên thị trường trong năm qua. Ngoài ra, với khát vọng mang vị cay “bùng vị cho vạn món ngon” của Tương Ớt Chin-Su đi khắp toàn cầu, tiên phong hiện diện trên Amazon US trong 2022 đã là bước khởi đầu cho các năm tới, Masan Consumer tiết lộ.

Năm 2022, ngành thức uống của Masan Consumer đạt 3.968 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với năm 2021. Kết thúc năm 2022, Wake-up 247 đạt doanh số tăng trưởng 16%. Masan Consumer cho biết, để đạt được kết quả này, Wake-up 247 đã thực hiện những hoạt động marketing để gắn kết thương hiệu với người tiêu dùng. Trong đó, nổi bật nhất là chương trình khuyến mãi “Bật nắp dắt xe - Mỗi 24 giờ 7 chiếc” được diễn ra từ 15/6 đến 13/8/2022.

Ngành cà phê đạt doanh số 1.457 tỷ đồng, tăng trưởng doanh số âm (-7%) so với 2021. Nhãn hàng Vinacafé đã tái tung sản phẩm Vinacafé Gold mới dành riêng cho khẩu vị đặc trưng của người tiêu dùng các vùng miền, kèm với việc đầu tư cho chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì cao cấp, cùng các hoạt động quảng cáo mới đã dần nhận được phản hồi tích cực từ thị trường và lấy đà cho các phát kiến mới của ngành cà phê năm 2023.

Masan Consumer cho biết, ngành hàng thức ăn và thức uống dinh dưỡng sẽ mở rộng danh mục sản phẩm phục vụ cho các lứa tuổi, chú trọng vào sự đầu tư về công nghệ sản xuất hiện đại cũng như nghiên cứu sản phẩm mới đạt tiêu chí “chất lượngngon-bổ dưỡng” đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người tiêu dùng Việt Nam.

Năm 2022 Ngành hàng thịt chế biến đóng góp 1.974 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng đột phá với 57,4% so với năm 2021 nhờ khơi mở những nhóm ngành hàng mới, sở hữu và tạo tiền đề cho sự bùng nổ của những sản phẩm thịt chế biến mang đến giá trị lớn, khác biệt trong tương lai (Snack Khô gà giòn Ponnie, Thịt áp chảo Ponnie, Chà bông Ponnie…).

Trong đó, Heo Cao Bồi tung sản phẩm Xốt & Lắc Thịt nướng BBQ phô mai và tăng trưởng bình quân 45% để trở thành nhãn hiệu 100 tỷ đồng. Ponnie tiệt trùng tăng trưởng bình quân 65% trong năm 2022, đạt mức doanh số tương đương 90 tỷ đồng/tháng.

Trong năm 2022 ngành hàng hóa mỹ phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình (HPC) đóng góp 1.569 tỷ đồng doanh số thuần, tăng trưởng 4% so với 2021 (bao gồm cả NETCO) nhờ giới thiệu thành công sản phẩm mới. Nước giặt Chanté tung thành công tại chuỗi siêu thị Winmart từ tháng 9/2022 và chiếm lĩnh thị phần với hơn 30%. Sữa tắm La’Petal tung vào tháng 11/2022, đặt bước chân đầu tiên của Masan trong ngành hàng chăm sóc cá nhân (personal care). Dòng sản phẩm bột giặt và nước giặt Super Net được tung vào tháng 11/2022.

Masan Consumer dự kiến năm 2023 sẽ tiếp tục đạt tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hai con số nhờ tiếp tục chiến lược cao cấp hóa các ngành hàng chính và sự gia tăng đáng kể cơ hội của các ngành hàng trụ cột mới như ngành hàng thịt chế biến và chăm sóc cá nhân và gia đình. Dự báo tăng trưởng năm 2023 của Masan Consumer sẽ được chia sẻ chi tiết hơn tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2023.