Loading map...

“Soi” khai gian giá mua bán nhà đất

19/01/2022 09:50
Các chuyên gia cho rằng cần tăng mức tối thiểu khai giá mua bán nhà đất khi giao dịch để tránh thất thu thuế.

Bộ Tài chính vừa có công văn đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các địa phương phối hợp với Cục Thuế điều tra, xử nghiêm các hành vi kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản (BĐS) có dấu hiệu trốn thuế nhằm răn đe, ngăn chặn và truy thu thuế cho ngân sách nhà nước.

Phổ biến mua nhà hai giá

Tình trạng mua bán nhà đất hai giá (giá bán cao, ghi trong hợp đồng giá thấp) để trốn thuế diễn ra phổ biến ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Thực trạng này đã tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, làm thất thu tiền thuế, gây nên sự thiếu minh bạch, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế và rất nhiều hệ lụy khác.

Đơn cử, một căn nhà giao dịch với giá 10 tỉ đồng sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là 200 triệu đồng (thuế suất 2%) nhưng nếu hợp đồng công chứng để giá 2 tỉ đồng thì số thuế phải đóng giảm xuống chỉ còn 40 triệu đồng. Như vậy Nhà nước sẽ thất thu 160 triệu đồng, còn người bán sẽ giữ lại được số tiền này. Vì thế, người mua và người bán thường bắt tay nhau để kê khai thấp giá trị thật của BĐS khi chuyển nhượng để giảm mức thuế phải đóng.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Tư pháp, UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương chỉ đạo các sở Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các cục Thuế địa phương yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng BĐS kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán, làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với các cục Thuế điều tra, xử lý nghiêm hành vi kinh doanh, chuyển nhượng BĐS có dấu hiệu trốn thuế.

Luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế, cho biết thực trạng khai hai giá khi mua bán BĐS diễn ra rất phổ biến. Mục đích chỉ có một là giảm bớt số thuế phải đóng.

“Một số trường hợp chỉ khai giá đất cao hơn bảng giá đất của tỉnh, thành đó ban hành một chút hoặc khai giá nhà cao hơn bảng giá nhà tính lệ phí trước bạ các cục Thuế địa phương đó công bố. Trong khi bảng giá đất hay bảng giá nhà tính lệ phí trước bạ của cơ quan nhà nước ban hành luôn thấp hơn giá nhà đất thị trường rất nhiều” - ông Xoa nói.

Soi khai gian giá mua bán nhà đất

Rất khó để xác định mức giá mua bán thật của bất động sản để tính thuế chính xác. Ảnh minh họa: QUANG HUY

Cần quy định rõ trong luật

Luật sư Trần Xoa cho rằng việc cơ quan chức năng siết kê khai giá giao dịch rất khó thực hiện đồng bộ và không có hiệu quả lâu dài. Vì đây là hoạt động giao dịch dân sự của người dân, nếu cơ quan công an “soi” có thể ảnh hưởng đến tâm lý, người mua sẽ không mua nữa dù họ mua bán đúng pháp luật. Hơn nữa, số lượng giao dịch nhà đất mỗi ngày rất lớn, không thể đi kiểm tra, làm việc với từng giao dịch.

“Hiện nay, người bán, người mua và cả công chứng viên đều lưu tâm đến vấn đề đóng thuế. Vì vậy, hợp đồng mua bán BĐS hiện nay đều khai theo hướng đúng quy định trên mức giá đất, nhà trong bảng giá đất và giá tính trước bạ. Theo quy định của Bộ luật Hình sự, trốn thuế trên 100 triệu đồng thì mới xử lý hình sự, vì vậy nếu giao dịch người dân dạng dân sự thì không nên can thiệp quá mức” - ông Xoa góp ý.

Theo ông Xoa, để tránh thất thu thuế trong giao dịch BĐS thì cơ quan quản lý cần đề xuất sửa đổi hệ thống pháp luật quy định về tính thuế TNCN trong mua bán nhà đất. Cụ thể, cơ quan quản lý cần xem xét tăng mức khai giá tính thuế khi chuyển nhượng BĐS, tối thiểu giá khai phải cao gấp đôi mức giá trong bảng giá đất và bảng giá nhà tính lệ phí trước bạ. Bởi trên thực tế giá giao dịch thật luôn cao hơn bảng giá đất của Nhà nước rất nhiều.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng khó có thể xác định được đâu là mức giá giao dịch thực sự nếu cả bên mua và bán đồng ý khai mức thấp hơn. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, cho rằng cần quy định yêu cầu giao dịch mua bán nhà đất bắt buộc phải thông qua chuyển khoản ngân hàng thay vì dùng tiền mặt. Giao dịch cọc phải công chứng và giao dịch tiền cũng phải thông qua ngân hàng, tránh tình trạng mua bán khai giá thấp để trốn thuế.

Ông Hậu cũng đồng tình cần tăng cường hoạt động định giá đất độc lập, khách quan và có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi làm giá cao hơn hoặc thấp hơn giá chuyển nhượng.

Thu hơn 10.000 tỉ đồng thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản

Theo Bộ Tài chính, số thu thuế TNCN từ chuyển nhượng BĐS, nhận thừa kế và nhận quà tặng là BĐS mỗi năm đứng thứ hai trong 10 nguồn thu thuế TNCN và chiếm trên 10% tổng số thu thuế TNCN. Tuy nhiên, số thuế chỉ hơn 10.000 tỉ đồng mỗi năm từ các hoạt động này được đánh giá là chưa tương xứng so với giao dịch thực tế. Hiện tượng khai giá giao dịch BĐS thấp hơn so với thực tế nhằm giảm số thuế phải nộp rất phổ biến trong thời gian qua.