Loading map...

TPHCM cho mở lại công trình xây dựng sau 30/9, doanh nghiệp chờ gì?

15/09/2021 20:15
Nhiều công trình xây dựng tại TPHCM gặp khó khăn vì dịch bệnh và nằm bất động suốt hơn 2 tháng qua. Lãnh đạo TP vừa thông báo, sau 30/9, công trình đảm bảo bộ tiêu chí an toàn sẽ được hoạt động lại.

Đứt gãy nguồn vật liệu và thiếu nhân lực

Đại diện một doanh nghiệp bất động sản tại TPHCM, cho biết đơn vị này là chủ đầu tư của nhiều dự án tại quận Tân Phú. Thế nhưng, dịch bệnh đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ phát triển dự án của doanh nghiệp. Các kế hoạch làm việc với nhà thầu, kế hoạch tài chính đều bị ảnh hưởng dẫn đến công tác bàn giao nhà cho khách hàng bị chậm trễ.

"Chúng tôi may mắn được khách hàng thông cảm và hỗ trợ dời ngày bàn giao nhà. Nếu khách hàng không chia sẻ thì chúng tôi sẽ rất khó xử trong thời điểm này" - đại diện doanh nghiệp nói.

TPHCM cho mở lại công trình xây dựng sau 30/9, doanh nghiệp chờ gì?

Nhiều công trình xây dựng tại TPHCM nằm "bất động" suốt thời gian dài (Ảnh: Đại Việt).

Không chỉ có chủ đầu tư rơi vào thế khó mà các đơn vị thi công cũng đang "dậm chân tại chỗ" vì dịch bệnh.

Anh Phan Công Vinh - quản lý nhà thầu tại nhiều dự án ở TPHCM, chia sẻ dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng vật liệu xây dựng bị đứt gãy, khan hiếm. Giá vật liệu liên tục tăng mạnh, điển hình là giá thép đã tăng đến 40 - 50%.

Nguồn nhân lực cho ngành xây dựng cũng bị ảnh hưởng nặng nề do nhiều công nhân bị mắc Covid-19. Một bộ phận người lao động rời thành phố về quê tránh dịch đã khiến nhiều công trường thiếu người làm. Theo anh Vinh, các nhà thầu chính, nhà thầu phụ đang gồng gánh rất nhiều chi phí trong giai đoạn giãn cách xã hội như chi phí thuê trang thiết bị, chi phí vận hành, quỹ lương nuôi bộ máy…

"Dịch bệnh khiến nhà thầu không thể nhận được dòng tiền từ chủ đầu tư và đành phải cầm cố tài sản, lựa chọn các giải pháp tài chính bất đắc dĩ để hỗ trợ công nhân" - anh Vinh cho hay.

TPHCM cho mở lại công trình xây dựng sau 30/9, doanh nghiệp chờ gì?

Các công trường xây dựng gặp khó khăn trong công tác thi công (Ảnh: Đại Việt).

Cũng theo anh Vinh, phương án cho công nhân ăn ở, làm việc tại công trình từng được các doanh nghiệp áp dụng thực hiện nhưng thất bại do công tác sàng lọc tại các công trường không đảm bảo dẫn đến việc xuất hiện ca nhiễm Covid-19 ngay trong khu vực này.

Ngoài ra, khi thực hiện phương án này thì công trường chỉ có khoảng 30% nhân sự so với bình thường nên bị đứt gãy dây chuyền thi công. Những nguyên nhân này khiến các công trình xây dựng tại TPHCM không thể hoạt động kể từ giữa tháng 7 cho đến nay.

Không ít chủ đầu tư và đơn vị thi công chia sẻ, họ đang chờ đợi những quyết sách mới của thành phố phù hợp hơn đối với doanh nghiệp trong giai đoạn mới, bởi chỉ còn hơn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2021.

Cho phép thi công trở lại từ 30/9

Trong chương trình "Dân hỏi thành phố trả lời", ông Lê Hòa Bình - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết sau ngày 30/9 thì các công trình thi công xây dựng tại thành phố sẽ được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, công trình chỉ được hoạt động nếu đảm bảo được các tiêu chí an toàn.

"UBND thành phố đã xây dựng bộ tiêu chí an toàn cụ thể cho các công trình xây dựng để áp dụng trong thời gian tới. Vừa qua, nhiều công trình trọng điểm của thành phố cũng đã áp dụng các tiêu chí an toàn này như cầu Thủ Thiêm 2, Metro số 1" - ông Bình nói.

TPHCM cho mở lại công trình xây dựng sau 30/9, doanh nghiệp chờ gì?

Các công trình xây dựng tại TPHCM sẽ được hoạt động trở lại nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn (Ảnh: Đ.V)

Theo ông Bình, nếu không xây dựng, không phát triển đô thị thì chắc chắn không có cơ sở vật chất để phát triển thành phố. Bởi, TPHCM có tỷ trọng thương mại dịch vụ chiếm đến hơn 62% và hạ tầng của dịch vụ là gắn với xây dựng.

Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo 3 đơn vị hành chính gồm Quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ cho phép các công trình đủ điều kiện an toàn được thí điểm tổ chức thi công trở lại từ ngày 16/9 - 30/9.

Cũng theo ông Bình, các công trình giao thông trọng điểm, công trình có vốn đầu tư công, công trình công cộng, công trình phát triển nhà ở thì đều phải áp dụng các tiêu chí an toàn sau ngày 30/9.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, đây là thời điểm phù hợp để sắp xếp lại nhà ở cho công nhân, người lao động. Do đó thành phố phải cho phép các công trình xây dựng hoạt động trở lại để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác này.

Còn theo đại diện Bộ Xây dựng, đơn vị này cũng đã có những hướng dẫn cụ thể với công tác phòng chống dịch Covid-19 trên công trường xây dựng.

Theo đó, chủ đầu tư, nhà thầu, người lao động phải thực hiện các tiêu chí an toàn mà Bộ Xây dựng đề ra. Điển hình như công trình xây dựng phải đảm bảo có nguy cơ lây nhiễm từ mức thấp trở xuống theo quy định của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Công trình xây dựng phải tổ chức đo thân nhiệt, khai báo y tế, có biện pháp thi công hợp lý để đảm bảo khoảng cách, có biện pháp thông gió khi thi công ở không gian kín, phải có nơi ăn uống, nghỉ ngơi đảm bảo an toàn…

Ngoài ra, người lao động khi đến làm việc tại công trình phải luôn tuân thủ 5K, sức khỏe tốt, không thuộc đối tượng cách ly y tế, không che giấu khi có biểu hiện nghi mắc Covid-19.