Loading map...

Cần đưa nguồn lực đất đai thực sự trở thành nguồn lực phát triển

15/09/2021 08:17
Ở nhiều nước hiện nay, nguồn thu từ thuế đất đai và tài sản gắn liền với đất luôn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu ngân sách địa phương. Mặt khác, nguồn vốn từ thuế có liên quan đến đất đai còn là công cụ tài chính để điều tiết thị trường bất động sản và phát triển đô thị.

Vừa thu dọn số đồ đạc từ nhà cũ còn lại, ông Hà Văn Bốn, xóm Bải Lải, xã Tân Quang, thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên vừa cho biết, không ngờ có 1 ngày ông lại được sống trong ngôi nhà 3 tầng với đầy đủ tiện nghi và cơ sở hạ tầng đầy đủ như hiện nay. Thực hiện giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Sông Công II gia đình ông bị thu hồi hơn 4.000m2 đất ở và đất trồng cây lâu năm và được bố trí 1 lô đất tại khu tái định cư.

“Chúng tôi cũng rất phấn khởi được đền bù và di chuyển. Chúng tôi mong muốn ra nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ. Còn công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất thì chúng tôi hoàn toàn nhất trí ủng hộ dự án công nghiệp Sông Công 2. Chúng tôi cũng nhận tiền và di chuyển đến nơi ở mới”, ông Hà Văn Bốn nói.

Cần đưa nguồn lực đất đai thực sự trở thành nguồn lực phát triển

Nguồn thu từ đất đai đang có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của hầu hết địa phương cả nước (Ảnh minh họa: KT)

Đây là một ví dụ trong số hàng triệu người dân được hưởng lợi từ chính sách chuyển dịch kinh tế đất đai của các địa phương. Để tăng nguồn thu từ đất, nhiều địa phương đã có phương án tạo quỹ đất sạch, kết hợp với xây dựng hạ tầng giao thông, sau đó tổ chức đấu giá đất để lựa chọn nhà đầu tư. Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, trong quý I/2021, tiền thu từ đất đạt hơn 32.000 tỷ đồng. Tính riêng giai đoạn 2015-2019, ngân sách nhà nước đã thu về hơn 600.000 tỷ đồng, đóng góp lớn cho nguồn lực đầu tư.

“Trong năm qua, nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất đã đóng góp cho phát triển của tỉnh. Tỉnh cũng xây dựng các giá để đấu giá quyền sử dụng đất để cho các doanh nghiệp đầu tư, nhân dân làm nhà ở cũng như đấu giá giãn dân để xây dựng các công trình hạ tầng, chương trình nông thôn mới. Hiện nay, tỉnh Hưng Yên 100% các xã đã xây dựng nông thôn mới. Địa phương vẫn đang thực hiện tiếp tục trình Chính phủ thêm 6 huyện nữa xây dựng huyện nông thôn mới”, ông Nguyễn Đức Đạt, Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hưng Yên cho biết.

Giống như Hưng Yên, nguồn thu từ đất đai đang có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của hầu hết địa phương cả nước. Song để đất đai thực sự tạo nguồn thu và tránh thất thoát nguồn lực từ đất đai, theo các chuyên gia, cần sớm sửa đổi Luật Đất đai 2013.

Đầu tiên là giám sát việc tổ chức lập, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp tỉnh, cấp huyện. Bởi thực tế rất nhiều địa phương đang có nhiều dự án treo từ nhiều năm nay. Điển hình nhất là dự án Khu đô thị Thủ Thiêm TP.HCM treo hơn 20 năm. Mới đây, thành phố này đã công bố hủy bỏ đối với 108 dự án treo từ năm 2015 - 2019. Còn tại Hà Nội, hiện còn hơn 370 dự án chậm triển khai.

“Phải quy định dài hơi, đối với đất nông nghiệp thì tối thiểu là 50 năm, tốt nhất là 100 năm. Đối với đất phi nông nghiệp tối thiểu là 25 năm, tốt nhất là 50 năm. Không điều chỉnh quy hoạch đất nông nghiệp nếu đất nông nghiệp chưa đến kỳ điều chỉnh”, PGS.TS Nguyễn Văn Xa, nguyên Cục trưởng Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính đề nghị.

Cần đưa nguồn lực đất đai thực sự trở thành nguồn lực phát triển

Đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài chạy qua phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), phường Xuân La (quận Tây Hồ) và phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm), đồng thời kích cầu cho bất động sản tại khu vực phía Tây của Hà Nội. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Một nhiệm vụ quan trọng khác theo Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, đó là cần đổi mới cơ sở tài chính đất đai. Trong đó, có việc đổi mới cơ chế điều tiết giá trị tăng thêm từ đất bằng cách lập bản đồ giá đất trước khi lập quy hoạch, thực hiện thu hồi đất vùng phụ cận; điều chỉnh đất đai, dồn điền, đổi thửa tại đô thị để tăng thu ngân sách nhà nước; ưu tiên cho người bị thu hồi đất ở được giao đất hoặc mua nhà trên diện tích đất đã thu hồi; từng bước áp dụng thuế tài sản theo lộ trình; củng cố hệ thống đăng ký quyền và thế chấp quyền sử dụng đất để huy động vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

“Chúng tôi cũng nghiên cứu và đề xuất các cách thức để Nhà nước có thể điều tiết lại các giá trị gia tăng từ đất do triển khai các dự án, cơ sở hạ tầng, các dự án đầu tư của các nhà đầu tư, đặc biệt là xây dựng các khu đô thị mới. Việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở để điều tiết lại giá trị gia tăng, đảm bảo công bằng giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp Nhà nước có thể thu vào ngân sách nhà nước và hỗ trợ người dân bị thu hồi đất được một cách tối đa theo quy định của pháp luật hiện hành”, PGS Nguyễn Đình Thọ cho biết thêm.

Cùng với đó, phải kiểm soát tình trạng các tổ chức, cá nhân “lách luật” trong giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Hiện nay, xảy ra tình trạng giá ghi tính thuế thường bị “dìm” thấp hơn nhiều thực tế làm thất thoát cho ngân sách nhà nước.

“Trong Luật đất đai 2013 đã quy định việc tính thuế là tính theo bảng giá của Nhà nước, nhưng trên thực tế, người dân vẫn tiếp tục ghi giá trị ảo, giá trị thấp hơn rất nhiều so với bảng giá của Nhà nước. Chúng ta chưa đưa vào quy định để sao cho người dân hiểu ghi như vậy là rủi ro cực kỳ lớn, nếu ký hợp đồng này bị tòa án tuyên vô hiệu. Lúc đó, nhiều người đã nhận tiền rồi trong quan hệ hợp đồng là chi trả tiền đúng theo số tiền mà được ghi trên hợp đồng và cũng không làm gì được. Người dân không nghĩ đến rủi ro cả mà chỉ nghĩ đến việc trốn được thuế. Tôi cho rằng đây là điều rất quan trọng”, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích.

Một trong những nguyên nhân nữa khiến cho đất đai chưa thực sự là nguồn lực cho phát triển kinh tế là hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đang sử dụng đất thuê khi chuyển mục đích sang đất ở đô thị đều không thông qua hình thức đấu giá và giá trị quyền sử dụng đất không theo sát giá thị trường. Hơn nữa, diện tích đất giao cho doanh nghiệp Nhà nước là rất lớn nhưng chưa được sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, có trường hợp đã biến đất công thành đất tư. Việc lợi dụng các lỗ hổng trong quy định của Luật Đất đai 2013 đã khiến nhiều cán bộ quản lý cấp cao rơi vào vòng lao lý xuất phát từ việc thực hiện thẩm quyền quyết định về đất đai trái pháp luật, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Để không thất thoát nguồn lực từ đất đai khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước do đất đai bị định giá thấp, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, cần đẩy mạnh 3 giải pháp để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa trên tinh thần đảm bảo đúng pháp luật, công khai minh bạch và theo nguyên tắc thị trường.

“Giải pháp quan trọng nhất hiện nay là tập trung quyết liệt kiểm tra và kịp thời có những chỉ đạo chấn chỉnh việc phê duyệt phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, đẩy nhanh tiến độ công tác này thì mới tiến hành các bước sau cổ phần hóa. Hai là đẩy mạnh việc sau cổ phần hóa niêm yết trên thị trường chứng khoán và tăng cường công tác thanh tra kiểm tra giám sát công khai minh bạch các trường hợp làm chậm, cố tình không làm”, ông Đặng Quyết Tiến nêu ý kiến.

Tiếp cận từ phía các doanh nghiệp, mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ 20 chồng chéo, xung đột giữa Luật Đất đai với các luật khác. Các doanh nghiệp cho rằng, nếu không giải quyết xung đột này, các dự án triển khai sẽ gặp khó khăn, thậm chí kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sẽ không khơi thông được nguồn lực do vướng mắc, chồng chéo của các luật. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, trong lần sửa đổi Luật tới đây vấn đề này cũng được xem xét một cách kỹ lưỡng.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý thiết thực về những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 và những giải pháp về chính sách để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập và giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn”, bà Nguyễn Thị Phương Hoa khẳng định

Những vướng mắc của Luật Đất đai 2013 đã được nhận diện rõ. Chính phủ và Quốc hội cũng đã thấy áp lực cần sửa đổi Luật và hiện các địa phương đang tiếp tục báo cáo về kết quả thực hiện Luật Đất đai, làm cơ sở để sửa đổi Luật này.