Loading map...

“Nhập nhèm” căn hộ thông minh

12/08/2019 16:00

Việc chưa có quy định cụ thể nên danh xưng “smarthome” - căn hộ thông minh đang bị nhiều chủ đầu tư lợi dụng để đẩy tầm căn hộ.

Dự án Green Pearl Bắc Ninh được quảng bá căn hộ thông minh

Đơn cử như mới đây, một dự án chung cư tầm trung tại huyện Hoài Đức (Hà Nội) chào bán ra thị trường căn hộ thông minh với các thiết bị tự động được tích hợp cùng các thiết bị nội thất. Dự án được quảng bá là căn hộ smarthome tầm trung đầu tiên trên thị trường. Ban đầu dự án có giá 25 triệu đồng/m2, sau khi gắn mác căn hộ thông minh, đồng loạt giao dịch mức trên 30 triệu đồng/m2.

Hay dự án Green Pearl được mở bán đầu năm 2019 tại Bắc Ninh cũng được môi giới quảng cáo căn hộ thông minh. Ngay lập tức dự án thu hút đông đảo khách hàng.

Thậm chí, tại dự án The Signial (Quận 7, TP.HCM) của chủ đầu tư Tập đoàn Bất động sản An Gia mới đây đã được “ve sầu thoát xác” trở thành “smartel” sau khi UBND TP.HCM cho hoạt động trở lại. Cái tên smartel lạ lẫm này được môi giới giải thích là sự kết hợp giữa smarthome và hotel, kèm theo đó là lời mời chào hấp dẫn bởi các tiện ích thông minh, quản lý thiết bị điện tử qua điện thoại di động.

Trên thực tế, hiện nay thị trường bất động sản xuất hiện nhiều dự án “mượn” danh xưng căn hộ thông minh để quảng cáo sản phẩm, đánh vào thị hiếu khách hàng nhằm đẩy giá căn hộ. Tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư vào các dự án căn hộ thông minh mới dừng lại ở mức tích hợp công nghệ mà không tính toán đến các vấn đề đồng bộ.

Anh Tuấn Anh - kỹ sư công nghệ thông tin của một Tập đoàn có tiếng cho biết, căn hộ thông minh phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn đồng bộ thiết kế không gian, nội thất, hệ thống tiện ích chung, quản lý, vận hành thông minh chứ không đơn giản dựa vào những thiết bị có ứng dụng công nghệ cao. Không phải dự án nào cũng có thể làm smarthome, dự án phải lên ý tưởng thiết kế ban đầu rồi bắt đầu xây dựng, chứ không thể áp dụng khi dự án đã hoàn thiện.

“Các yếu tố thoáng khí, sử dụng tối đa năng lượng tự nhiên, tạo không gian xanh đáp ứng về mặt sức khỏe cho người sử dụng là điều tiên quyết cho một căn hộ thông minh. Ngoài ra, dự án đó cần phải gắn liền với giao thông thông minh, quy hoạch thông minh, giáo dục, y tế và các tiện ích sống thông minh. Sau đó, mới tính đến việc áp dụng đầy đủ các thiết bị thông minh như quản lý tòa nhà, quản lý người, khu giữ xe, nhiệt độ tòa nhà… chứ không chỉ riêng một thiết bị điện thoại tích hợp quản lý căn hộ thì đã gọi là dự án thông minh” – ông Tuấn Anh cho biết.

Ngoài ra, theo Quyền Phó Tổng Giám đốc LDG Group Nguyễn Quốc Vy Liêm, điểm hạn chế của nhà ở thông minh là hiện nay chưa có tiêu chuẩn cụ thể nào để xác định căn hộ thông minh. Đây là nguyên dân dẫn đến nhiều dự án được quảng bá rầm rộ về tiêu chí thông minh nhưng đến khi bàn giao nhà cho người dân ở mức cơ bản như thiết bị trung tâm, ổ cắm, cảm biến chuyển động, cảm biến gắn cửa và chuông. Còn khách hàng phải tự lắp đặt thiết bị thông minh nếu có nhu cầu.

JLL Việt Nam thừa nhận, công nghệ nhà thông minh ở Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn khá sơ khai, và trở ngại lớn trong việc phát triển phân khúc này là chi phí cao. JLL ghi nhận có năm dự án đang được chào bán giới thiệu mô hình công nghệ thông minh trong sản phẩm căn hộ đạt chuẩn, còn lại nhiều dự án chỉ dùng từ khóa để marketing bán hàng.

Chuyên gia của JLL cũng đề xuất, cần bổ sung quy định tiêu chí căn hộ thông minh cho căn hộ đã xây dựng hoặc hình thành trong tương lai. Đây là bước quan trọng để khẳng định tính minh bạch, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho thị trường bất động sản và nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người mua nhà.

– Theo DĐDN