Bất động sản 24h: Cần sớm đầu tư tuyến cao tốc kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên
Hình minh họa
Tây Ninh mời gọi đầu tư khu đô thị gần 740 tỉ đồng
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh vừa mở hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án Khu đô thị Rạch Sơn với tổng mức đầu tư hơn 736 tỉ đồng.
Theo đó, 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ là Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vạn Cát - Công ty CP Phú Thịnh; Liên danh Công ty CP Đầu tư thành phố Vàng - Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị Tây Ninh.
Dự án có tổng diện tích 61.915m2, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự kiến là 208 tỉ đồng, tổng chi phí thực hiện dự kiến 528,3 tỉ đồng. Dự án được thực hiện tại thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Dự kiến, Dự án sẽ được đầu tư, xây dựng và đưa vào hoạt động trong thời gian 2 năm.
Đồng Tháp tìm nhà đầu tư dự án khu dân cư hơn 3.400 tỷ đồng
Mục tiêu đầu tư của dự án là hình thành Khu dân cư với kết cấu hạ tầng đồng bộ, tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có về cảnh quan, vị trí để phát triển một cách bền vững. Đáp ứng nhu cầu ở và môi trường sống chất lượng cao cho khu vực và các khu lân cận.
Quy mô đầu tư của dự án dự kiến khoảng 58,71 ha. Diện tích chính xác được xác định sau khi tổ chức đo đạc thực tế tại địa phương.
Sản phẩm, dịch vụ cung cấp gồm: Khu thương mại dịch vụ, nhà ở liên kế mặt phố (xây thô và phân lô bán nền), đất ở liên kế (xây thô và phân lô bán nền), biệt thự (xây thô và phân lô bán nền), đất ở tái định cư, công trình giáo dục, y tế, đồng bộ với hạ tầng hoàn chỉnh.
Hà Nội có thêm 20 dự án FDI, tổng vốn đăng ký hơn 100 triệu USD
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, toàn Thành phố thu hút 1.132 triệu USD vốn FDI, trong đó đăng ký cấp mới 73 dự án với số vốn đạt 1.008 triệu USD; 47 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 79 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 65 lượt, đạt 45 triệu USD. Có 14 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với 57,4 triệu USD; có 27 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với số vốn đạt 15,5 triệu USD.
Cũng trong tháng 4, Thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 2.514 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 25,6 nghìn tỷ đồng, tăng 24%; 758 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 14%; 1.878 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 16%; 269 doanh nghiệp giải thể, giảm 13%.
Tính chung 4 tháng đầu năm, Thành phố Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 9,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 97,6 nghìn tỷ đồng, giảm 6% về số lượng doanh nghiệp và tăng 9% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 4,5 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 10%; hơn 14,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 24%; có 1,4 nghìn doanh nghiệp giải thể, tăng 12%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.
Bộ GTVT nói gì về lộ trình đầu tư 3 tuyến cao tốc xuyên suốt khu vực Tây Nguyên?
Theo Bộ GTVT, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây qua các tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai gồm: đoạn Ngọc Hồi (Kon Tum) - Pleiku (Gia Lai) dài 90 km, quy mô 6 làn xe; đoạn Pleiku (Gia Lai) - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) dài 160 km, quy mô 6 làn xe và đoạn Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - Gia Nghĩa (Đắk Nông) dài 105 km, quy mô 6 làn xe; tiến trình đầu tư hai đoạn tuyến này là trước năm 2030.
Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 “đến năm 2030, nghiên cứu đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây (Ngọc Hồi - Pleiku, Pleiku - Buôn Ma Thuột, Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa)”.
Bộ GTVT cho rằng, việc đầu tư tuyến cao tốc các đoạn Ngọc Hồi - Pleiku, Pleiku - Buôn Ma Thuột và Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa trong giai đoạn 2021 - 2030 nhằm kết nối đồng bộ các dự án cao tốc đang triển khai (tuyến cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột) và dự kiến triển khai (tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành) sẽ tạo liên kết vùng Tây Nguyên với duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ là cần thiết phải nghiên cứu đầu tư.